(TN&MT) - “Quảng Trị đã xác định việc xây dựng các Đề án lấy một số sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế của tỉnh là trọng tâm, đồng thời, sẽ phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn” - ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Thiệt hại chưa từng có
Ảnh hưởng ngay từ đầu năm của đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khách đến với Quảng Trị và doanh thu du lịch năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế giảm trên 86%, khách nội địa giảm 71%). Nhiều doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh trong ngành du lịch rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí, nhiều doanh nghiệp chỉ còn bộ khung vì Covid-19.
Đây cũng là năm Quảng Trị phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Tháng 10/2020, tỉnh đã phải chống chọi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây ra các trận lũ chồng lũ lịch sử khiến ngành du lịch mới chớm gượng dậy từ “bão Covid-19” lại chịu thiệt hại bồi vì thiên tai.
Để thực hiện các giải pháp kích cầu, tạo sức bật nhằm thúc đẩy và khôi phục các hoạt động du lịch phát triển trở lại, trong năm tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Festival "Vì Hòa bình" tại tỉnh Quảng Trị; triển khai thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích Hệ thống các công trình khai thác nước cổ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã Gio An, huyện Gio Linh,...
Tổ chức khảo sát, kiểm tra quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; khảo sát hang động ở thôn Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa; tuyến du lịch đường bộ và đường thủy lên Chiến khu Ba Lòng, huyện Đakrông; khảo sát các điểm du lịch phía Tây.
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, nhất là 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên; tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch và tổ chức đoàn Famtrip khai trương tour du lịch đảo Cồn Cỏ năm 2020, mùa du lịch biển 2020.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch trong thời gian qua đã đến khảo sát và lập kế hoạch đầu tư tại Quảng Trị: Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP phát triển AE Holdings, Công ty CP Tập đoàn SGO, Công ty CP Phát triển quan hệ Việt Nhật, Công ty CP đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC HOMES, Công ty CP đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương, Công ty CP Tập đoàn Pacific Healthcare…
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, năm 2021, tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu thu hút khách đến tham quan tại địa phương ước đạt 1.620 ngàn lượt (tăng 74% so với năm 2020); khách quốc tế ước đạt 30 ngàn lượt (tăng 12,5% so với năm 2020); khách nội địa ước đạt 1.590 ngàn lượt (tăng 81% so với năm 2020).
Tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt 1.460 tỷ đồng (tăng 73% so với năm 2020)...
Để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Trị chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất; Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn";…
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, khôi phục phát triển du lịch; xây dựng, chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Nghiên cứu, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; kết nối du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực và Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tổ chức tuần lễ du lịch biển năm 2021; hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch để tạo động lực phát triển mới cho du lịch; tiếp tục thực hiện dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2"; Phối hợp triển khai xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Hệ thống các công trình khai thác giếng cổ Gio An,...
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị: Dịch Covid-19 là “liều thuốc thử” đặc hiệu đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng. Nó giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nhận diện rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu của ngành du lịch hiện nay, từ đó, có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược phát triển để tận dụng tốt cơ hội do khủng hoảng tạo ra.
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng: Các doanh nghiệp du lịch phải nhanh chóng tăng tốc, triển khai các chiến lược phù hợp với tình hình mới để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
Ngành du lịch đã trải qua một năm 2020 thiệt hại kép do “cú đấm bồi” Covid-19 và thiên tai lịch sử. Nhưng đây cũng là lúc ngành du lịch địa phương tìm được khả năng kháng cự, sức bật nội lực từ những sáng tạo để tìm thời cơ trong chính thách thức, khó khăn.
0 bình luận